Tin tức
Tạo thuận lợi thương mại, logistics và một cửa quốc gia
Ngày đăng : 26/06/2017

Ngày 26/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã làm việc với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione.

Tạo thuận lợi thương mại, logistics và một cửa quốc gia. Ảnh minh họa: TTXVN

Cùng dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ; Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới.

Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận những thách thức chính và các ưu tiên của Chính phủ về vấn đề tạo thuận lợi thương mại, phát triển logistics, Ủy ban Một cửa Quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại.

Hai bên cũng trao đổi về chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới dựa trên cách tiếp cận bốn trụ cột về lĩnh vực tạo thuận lợi thương mại và logistics, bao gồm một khoản cho vay hỗ trợ ngân sách trực tiếp.

Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong thời gian gần đây, Việt Nam đã phê duyệt một kế hoạch hành động quốc gia về tạo thuận lợi thương mại và logistics dựa trên bốn trụ cột, bao gồm: Tăng cường tạo thuận lợi thương mại thông qua việc đơn giản hóa các quy định hải quan và quản lý chuyên ngành; nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng thương mại, chất lượng kết nối; xây dựng một lĩnh vực dịch vụ logistics có tính cạnh tranh; tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan Chính phủ và khu vực doanh nghiệp về tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh thương mại quốc gia.

Theo Nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam cần có tác động tổng hợp tới chuỗi giá trị Logistics; tạo thuận lợi thương mại ngoại biên, nâng cao kết nối nội địa - logistics. Việt Nam đã tăng cường kết nối giao thông nhưng vận tải đa phương thức lại không bắt kịp với nhu cầu phát triển của đất nước.

Các thách thức mà Việt Nam đang đối mặt là khối lượng hàng hóa tăng trưởng nhanh hơn mức tăng GDP và khối lượng hàng hóa vận chuyển nhanh hơn tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay.

Dẫn số liệu của Bộ Công Thương dự báo trong giai đoạn 2016- 2020, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng vận tải khoảng 24 tỷ USD nhưng Nhà nước chỉ có thể đáp ứng được 8 tỷ USD, phía Ngân hàng Thế giới đề nghị Chính phủ Việt Nam huy động vốn tư nhân, tín dụng thương mại để “lấp chỗ trống” và quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả vận hành hạ tầng với sự tham gia của khu vực tư nhân.

Cũng theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Việt Nam nên giao cho Ủy ban Một cửa Quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại lĩnh vực phát triển logistics, đồng thời cần có đại diện tư nhân tham gia vào Ủy ban này.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới Ousmane Dione khẳng định, Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới sẽ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nhằm đảm bảo tính bổ sung, đồng bộ và giá trị tăng thêm đối với các vấn đề được bàn thảo tại buổi làm việc.

Bên cạnh đó, Nhóm chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cũng giới thiệu những kinh nghiệm tốt của quốc tế trong việc tạo thuận lợi thương mại và logistics, đảm bảo hiệu quả nhất đối với các vấn đề này ở Việt Nam. Về khoản hỗ trợ ngân sách trực tiếp trong nhiều năm, ông Ousmane Dione đề nghị có sự kết nối đồng bộ giữa Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới và các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những vấn đề Nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới đưa ra tại buổi làm việc. Đây cũng là những vấn đề ưu tiên của Việt Nam hiện nay nhằm hướng tới các tiêu chuẩn và thông lệ của khu vực, quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, trong lĩnh vực vận tải, Việt Nam đang tập trung vào đường bộ, đường sắt theo trục Bắc - Nam, chứ chưa quan tâm nhiều tới kết nối Đông - Tây và vận tải ven biển. Phó Thủ tướng đề nghị: “Ngân hàng Thế giới nghiên cứu vấn đề này không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà phải gắn với cả các tác động của khu vực, quốc tế khi giải quyết vấn đề này”.

Về nguồn lực thực hiện, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ kêu gọi tư nhân tham gia hợp tác theo hình thức đối tác công- tư (PPP) ở cả việc phát triển hạ tầng và trong kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đồng tình với kiến nghị của Ngân hàng Thế giới về việc tích hợp chức năng phát triển logisitics vào Ủy ban Một cửa Quốc gia và Tạo thuận lợi thương mại; đề nghị Ngân hàng Thế giới giúp Chính phủ tham vấn về khuôn khổ, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của Ủy ban này và Cơ quan thường trực đủ mạnh để bao quát được cả tạo thuận lợi thương mại, logistics và một cửa quốc gia.

Phó Thủ tướng hoan nghênh Ngân hàng Thế giới hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam trong thực hiện chính sách và là hướng ưu tiên trong sử dụng ODA của Việt Nam. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính làm việc cụ thể hơn về thể thức, nội dung và việc sử dụng hiệu quả khoản hỗ trợ trực tiếp này.

Xem thêm :
•   Anh duy trì miễn thuế nhập khẩu hàng hóa nhiều nước đang phát triển - 26/06/2017
•   Cảng Hải Phòng cử ông Vũ Tuấn Dương làm Chủ tịch HĐQT của DVP thay ông Nguyễn Hùng Việt - 26/06/2017
•   Xuất khẩu 6 tháng đầu năm của TP. Hồ Chí Minh tăng 17,4% - 26/06/2017
•   4 tháng đầu năm: Xuất khẩu tăng trưởng mạnh - 09/05/2017
•   Tìm đường xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc - 09/05/2017
•   Việt Nam chi hơn 400 triệu USD nhập khẩu than đá - 09/05/2017
•   Tổng cục Hải quan: Gỡ vướng chính sách thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu để góp vốn - 08/05/2017
•   Vũng Tàu thành lập nhóm kiểm soát container chống ma túy - 08/05/2017
•   Nhật Bản đổ tiền giúp Campuchia xây cảng - 08/05/2017
•   Hình thành cảng trung chuyển quốc tế trên sông Cái Mép-Thị Vải - 03/05/2017
[1]2